Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Những chiêu hút khách du lịch mùa trầm lắng


Tháng 10 hằng năm được đánh giá là giai đoạn "trầm lắng" của du lịch nội địa. Để "kéo" khách, các doanh nghiệp lữ hành đang đẩy mạnh liên kết với đối tác nhằm giảm giá tour, đồng thời xây dựng các tour mới để đầu tư cho những mùa du lịch sắp tới.

Khuyến mãi vực dậy thị trường

Khảo sát một số công ty lữ hành cho thấy, thời điểm này, chỉ có khách đặt tour đi hưởng "tuần trăng mật" hay những đoàn khách nhỏ, lẻ ra nước ngoài, chủ yếu là đến các nước Đông Nam Á. Nhiều công ty lý giải, đây là thời kỳ lượng khách nội địa đi tour trong nước giảm rõ rệt, số lượng người có kế hoạch đi nghỉ cá nhân, gia đình và cơ quan đoàn thể gần như không có. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế cũng là một lý do chính khiến lượng khách giảm. Cũng như mọi năm, các công ty du lịch đua nhau tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách. Hiện giá tour tại hầu hết các hãng lữ hành uy tín như: Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Vitours, Hanoi Redtours... đều đã giảm từ 20% đến 35%.
 

Sản phẩm du lịch của các địa phương còn nghèo nàn, đơn điệu nên chưa hấp dẫn du khách.Ảnh: Linh Tâm
Sau thắng lợi của đợt giảm giá "sốc" tour Thái Lan chỉ với 6.550.000 đồng cho hành trình trọn gói 5 ngày vào dịp 20-10 vừa qua, Công ty Du lịch và Thể thao Việt Nam (Vietrantour) tiếp tục tung ra chùm tour Đông - Tây Bắc mùa thu đông với mức giá ưu đãi đặc biệt. Chẳng hạn như tour Hà Giang 4 ngày khởi hành thứ sáu hằng tuần giá trọn gói 3.190.000 đồng/khách; tour Sa Pa 3 đêm 2 ngày mức giá 3.290.000 đồng/khách và tour Mộc Châu 2 ngày khởi hành thứ bảy hằng tuần chỉ với giá 1.490.000 đồng/khách. Giám đốc Vietrantour Nguyễn Thị Huyền cho biết, liên kết tốt với hàng không, khách sạn, nhà hàng… nên công ty có thể đưa ra mức giá giảm liên tiếp trong mùa thu năm nay mà vẫn cam kết giữ nguyên chất lượng dịch vụ.

Diễn ra từ tháng 10 đến hết ngày 30-11, chương trình khuyến mãi "Sắc thu vàng 2012" của Vietravel mang chủ đề "Cảm xúc mùa thu" chính thức được áp dụng trên phạm vi cả nước. Không chỉ giảm giá hàng loạt các tour nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… Công ty còn đưa ra mức giá hấp dẫn đối với tour trong nước. Đơn cử như các tour miền Bắc có mức giảm lên đến 3,5 triệu đồng, tour miền Trung cũng giảm tới 3,3 triệu đồng với nhiều dịch vụ miễn phí. Thậm chí, số lượng khách đăng ký càng đông, mức ưu đãi càng cao với mức giảm lên đến 600.000 đồng/khách. Đây là mức giá giảm sâu nhất từ trước đến nay nhằm vực dậy thị trường du lịch nước ta hiện nay.

Mùa nào thức nấy

Song hành với chiến dịch "siêu" khuyến mãi, các doanh nghiệp du lịch chuyển hướng sang thực hiện chương trình khảo sát để lập những tour, tuyến mới thu hút khách.

Một chương trình khảo sát tuyến điểm du lịch tại hai tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn vừa được các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội thực hiện khá chuyên nghiệp. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, thông qua khảo sát, ngành du lịch Thủ đô và hai tỉnh bạn sẽ phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thu hút khách trên tuyến du lịch từ Hà Nội đến Bắc Giang, Lạng Sơn và ngược lại. Sự hợp tác giữa 3 tỉnh, thành phố là yếu tố thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển mạnh hơn, đồng thời góp phần gắn kết, bổ sung cho nhau, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng cao hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư. Cũng trong tháng 10, một đoàn famtrip lớn nhất từ trước đến nay do Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VH,TT&DL các tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng và gần 80 thành viên là các hãng lữ hành, khách sạn… tổ chức nhằm chuẩn bị các sản phẩm du lịch phục vụ cho Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013.

Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, do sản phẩm du lịch của các địa phương còn nghèo nàn, đơn điệu nên du lịch nội địa vẫn mang nặng tính mùa vụ. Việc tạo ra sản phẩm mới có sức hấp dẫn có thể xem là lối thoát duy nhất hiện nay cho các hãng lữ hành, vừa để giải quyết được doanh thu trong thời điểm trầm lắng giảm bớt phần nào tính mùa vụ còn quá nặng nề, vừa là cách để kích cầu thị trường du lịch ngày càng ảm đạm trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn.

Cũng theo đánh giá của nhiều hãng lữ hành, những năm gần đây đã xuất hiện xu hướng một bộ phận người dân thích du lịch mùa "thấp điểm" để được hưởng ưu đãi giảm giá và chất lượng dịch vụ tốt. Đặc biệt, đối tượng khách là người cao tuổi rất thích du lịch dịp thu đông vì thời tiết trong lành và nhất là không phải chen chúc như dịp hè, lễ, tết. Để có những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo tiêu chí "mùa nào thức nấy", các địa phương cần chuyển một số sự kiện lớn vào mùa "thấp điểm", có chương trình kích cầu thường xuyên, đồng bộ và có định hướng khai thác các nguồn khách có thể đi du lịch trong mùa trầm lắng này.

Du lịch trong nước vắng bóng khách quốc tế vì đâu?


Từ tháng 9 trở đi là mùa cao điểm khách du lịch quốc tế (inbound) đến VN. Tuy nhiên, dù đã qua tháng 10 nhưng lượng khách quốc tế đến VN vẫn thưa thớt.

Bán tour giá vốn
“Du khách đi đâu mất rồi? Tôi tự hỏi khi nhìn cảnh người nước ngoài vắng vẻ bất thường trên phố Tây Phạm Ngũ Lão hay ở các điểm tham quan trong TP”, một hướng dẫn viên thốt lên như vậy. Tổng giám đốc khách sạn (KS) 5 sao Cửu Long (TP.HCM) - ông Nguyễn Anh Vũ cho biết, 9 tháng đầu năm nay, công suất phòng giảm 6% so cùng kỳ năm ngoái (từ 78% xuống còn 72%). “Chưa năm nào chúng tôi có mức giảm như vậy. Từ nay đến cuối năm, tình hình chắc chắn không tốt hơn và xu hướng giảm sẽ tiếp diễn. Khách đi du lịch theo đoàn cũng ít hơn các năm, chủ yếu là khách lẻ. Trong khi đó, giá phòng năm 2012 không tăng so với năm 2011”, ông Vũ nói. Ông Tào Văn Nghệ - Tổng giám đốc KS Rex, Chủ tịch Hội KS TP.HCM cũng thừa nhận có hiện tượng sụt giảm khách lưu trú ở hệ thống KS trên địa bàn.
Du lịch vắng khách quốc tế
Nhiều DN lữ hành đang rất lo lắng vì lượng khách quốc tế sụt giảm - Ảnh: D.Đ.Minh
Các doanh nghiệp (DN) lữ hành thì đang chới với vì lượng khách quốc tế sụt giảm rõ rệt. Ông Trần Văn Long - Giám đốc Công ty du lịch Việt cho biết lượng khách inbound của công ty giảm tới 40% trong 9 tháng đầu năm. “Đã tới tháng 10 nhưng số lượng hợp đồng đặt tour của đối tác nước ngoài hầu như chẳng có”, ông Long than. Trước tình hình này, công ty đành tung ra chương trình bán tour giá vốn, kể cả ở mảng tour nội địa, tour outbound (khách VN ra nước ngoài) và inbound.
 
Theo nhận định của các DN lữ hành, mục tiêu VN đón 6,5 triệu lượt khách quốc tế năm nay khó đạt được. Bởi 9 tháng đầu năm 2012, cả nước mới đón được 4,8 triệu lượt khách quốc tế.
Giám đốc một công ty du lịch lớn ở TP.HCM thông tin, lượng khách walkin (khách đến VN rồi mới mua tour ở các văn phòng du lịch) cũng giảm mạnh. Chưa kể các nhóm du khách nước ngoài đến giảm về số lượng, chẳng hạn những năm trước thông thường mỗi nhóm có trên 25 khách thì nay chỉ còn 10 - 15 khách. Đặc biệt, lượng khách mice (khách đi tour theo dạng hội nghị, khen thưởng) của công ty này cũng giảm tới 30 - 40%.
Còn thiếu liên kết
Các nhà chuyên môn, DN nhận định nguyên nhân chính  khiến khách quốc tế giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, du khách tiết kiệm hơn trước. Trong tình hình đó, khách thường có xu hướng chọn các điểm du lịch gần để tiết kiệm chi phí, trong khi các thị trường khách chính của VN đều ở xa. Thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, trong tháng 9.2012, khách quốc tế đến VN giảm gần 14% so với tháng 8, đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp khách giảm. Trong 10 thị trường du khách lớn nhất của VN có tới 6 thị trường giảm khách. Giảm mạnh nhất là khách Pháp (50%), Hàn Quốc (22%), Trung Quốc (18%), Mỹ (15%), Đài Loan (12%), Thái Lan (9%). Chỉ có 4 thị trường tăng là Úc (12%), Nhật (11%), Malaysia (3%) và Campuchia (1%).
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Long, lượng khách suy giảm còn có nguyên nhân từ việc ngành du lịch trong nước thiếu các chính sách nhằm kéo giảm giá tour xuống. Các liên kết hàng không và dịch vụ như nhà hàng, KS, vận chuyển, điểm tham quan cùng với hãng lữ hành chưa chặt chẽ vì không có người cầm trịch, khiến giá tour vẫn quá cao so với các nước khác trong khu vực. Gần đây, các loại phí tham quan ở VN cũng tăng đáng kể. Chẳng hạn Quảng Ninh hồi tháng 9 đã tăng giá tàu tham quan vịnh Hạ Long lên gần 100%. “Các nước trong khu vực tranh nhau hạ giá để thu hút khách trong khi mình làm ngược lại. Hiện lượng khách đến Hạ Long đang giảm đáng kể”, một DN lữ hành bức xúc.
Quan trọng hơn là việc VN thiếu những chương trình quảng bá hiệu quả, đúng đối tượng khách và thị trường tiềm năng. Theo ông Lại Hữu Phương, Giám đốc Trung tâm du lịch Bến Thành, có một thời gian dài du lịch mice của VN được nước ngoài chú ý. Nhưng gần đây đã giảm sút, do chúng ta không có bất kỳ một chính sách nào nhắm vào đối tượng khách này.

Du lịch Thủ đô - Sức hút ở đâu?


Hội tụ nhiều thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch nhưng những năm qua, Hà Nội vẫn chỉ là điểm "trung chuyển" khách. Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND thành phố phê duyệt sẽ tạo đà cho ngành "công nghiệp không khói" Thủ đô bứt phá trong thời gian tới, trước mắt là trong Năm Du lịch quốc gia 2013 như lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội khẳng định tại cuộc họp báo ngày 2-11.
Du khách tham quan khu phố cổ Hà Nội.  Ảnh: Phương An

Thiếu "đặc sản"
So sánh sức hút của du lịch Thủ đô với các địa phương khác, những người làm du lịch đều chung quan điểm, Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh với gần 1.000 điểm du lịch văn hóa, lịch sử, danh thắng, thế nhưng đã bị các địa phương khác bỏ xa, nhất là vào các kỳ nghỉ lễ kéo dài. 

Lý do chính làm giảm sức hấp dẫn là chi phí du lịch ở Hà Nội luôn đứng tốp đầu về sự đắt đỏ, dù so với nhiều thủ đô khác trên thế giới vẫn rẻ hơn nhiều. Thêm vào đó, Hà Nội lại chưa định vị được những giá trị đặc trưng để tạo ra các sản phẩm du lịch "đặc sản". Trong khi Quảng Ninh có lễ hội Carnaval Hạ Long, Huế thì có Festival Huế, hay Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế, Đà Lạt có Festival Hoa... Dù những địa phương này chưa có những điều kiện thuận lợi bằng Hà Nội nhưng ngành du lịch của họ vẫn tạo được những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn, trở thành "đặc sản" riêng.

Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý và kinh doanh du lịch, lượng khách vào Hà Nội đang ít hơn khách của Hà Nội đi các vùng. Vào các ngày nghỉ lễ, ngay cả người Hà Nội cũng thích "bỏ phố về quê", nói gì đến người dân ở các tỉnh và du khách quốc tế không muốn đến Hà Nội. Bởi vậy, Hà Nội vẫn là trạm "trung chuyển" chứ chưa phải là điểm đến thực sự.

Trở thành điểm đến đẳng cấp
Với việc hoàn thành Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp, là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực. Phó Giám đốc Sở VH, TT& DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, để làm được điều đó cần có chiến lược khai thác nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn một cách hợp lý, có lộ trình, các sản phẩm du lịch cũng phải được nâng lên một tầm cao hơn. Đã đến lúc, không thể chào bán những tour, tuyến, dịch vụ… mộc mạc, đơn giản mà phải vừa độc đáo vừa có chất lượng cao. "Không nên xây dựng tràn lan, đại trà mà cần tập trung vào sản phẩm có chất lượng. Sản phẩm phải cao cấp mới hấp dẫn khách du lịch. Điều đặc biệt là các sản phẩm du lịch của Hà Nội phải gắn liền với văn hóa của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến", ông Trương Minh Tiến bày tỏ quan điểm.

Trong Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô tập trung phát triển 6 cụm du lịch: Trung tâm Hà Nội, khu vực Sơn Tây - Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa, Hà Đông và phụ cận với việc xây dựng các sản phẩm du lịch chính như: du lịch văn hóa, tâm linh, ẩm thực, làng nghề, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi giải trí… Theo đó, trung tâm Hà Nội sẽ phát triển thành khu vực đi bộ và hoạt động giải trí về đêm theo hình thức mỗi tuyến phố phục vụ một loại hình như quán bar, phố ẩm thực... Còn ở ngoại thành, các khu vui chơi giải trí sẽ được đầu tư phát triển ở quy mô lớn cấp vùng, với những trò chơi hiện đại lồng ghép những trò chơi dân gian cho mọi đối tượng, lứa tuổi. Cùng với đó, Hà Nội còn hướng tới xây dựng phát triển hai vành đai du lịch sông Hồng, sông Đáy với sản phẩm chính là du lịch sinh thái.

Du lịch văn hóa, tâm linh sẽ được Hà Nội chú trọng.  Ảnh: Bá Hoạt

Ông Trương Minh Tiến khẳng định, muốn "níu chân" du khách ở lại lâu hơn, để họ chi tiêu nhiều hơn cho du lịch tại Thủ đô, song hành với việc nâng cấp chất lượng dịch vụ, ngành du lịch sẽ phải đầu tư hơn nữa cho việc phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, thông qua việc đẩy mạnh phong trào người Hà Nội thanh lịch - văn minh, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng để giáo dục văn hóa du lịch, xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng chèo kéo, bắt chẹt khách… Với những giải pháp đó, hy vọng Hà Nội không chỉ là điểm đến thân thiện mà còn có sức hút với du khách trong và ngoài nước nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, du lịch Hà Nội sẽ đón được 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón được 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 26,8 triệu lượt khách nội địa.

Cơ hội quảng bá du lịch Thủ đô

Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 có chủ đề "Văn minh sông Hồng". Gần 70 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, thương mại, hội chợ, hội thảo... sẽ được tổ chức trọng thể tại Hải Phòng và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2013, Bộ VH,TT&DL sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 23 hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao. Để tổ chức tốt Năm Du lịch 2013, Hà Nội và Hải Phòng đã thống nhất, ngoài những tour du lịch truyền thống, ngành du lịch hai địa phương sẽ phấn đấu tăng thêm khoảng 20% số tour mới mang đặc trưng vùng, miền. Hà Nội sẽ mang đến Năm Du lịch quốc gia 2013 những nét đặc trưng riêng, mở đầu là các sự kiện văn hóa du lịch lớn như: Lễ hội chùa Hương (diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4); Hội chợ Du lịch quốc tế 2013 vào tháng 4; Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng vào tháng 10…

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

120 doanh nghiệp du lịch đoạt giải The Guide Awards

Ngày 13/8, Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, 120 gương mặt tiêu biểu của ngành du lịch Việt Nam đã đoạt giải The Guide Awards lần thứ 13.
Trong các doanh nghiệp này có 29 khách sạn; 34 khu nghỉ dưỡng và tám đơn vị làm dịch vụ căn hộ cho thuê; 25 nhà hàng, quán bar và càphê, 10 cửa hàng và cơ sở làm đẹp, chăm sóc sức khỏe; 10 công ty lữ hành và vận chuyển du lịch; bốn công ty dịch vụ thể thao và giải trí khác.

Trong số này có những doanh nghiệp đã nhiều năm liên tiếp đạt The Guide Awards như Caravelle Hotel Saigon, Melia Hanoi Hotel, Buffalo Tours, Luxury Travel.

Các doanh nghiệp này được bạn đọc và ban biên tập ấn phẩm The Guide (Thời báo Kinh tế Việt Nam) bình chọn dựa trên các tiêu chí về chất lượng sản phẩm thông qua đánh giá cơ sở hạ tầng; chất lượng dịch vụ; chất lượng môi trường xanh, sạch, đẹp; những giá trị nổi trội khác; có đóng góp tích cực cho địa phương và ngành du lịch...

Các đơn vị đoạt giải sẽ được vinh danh tại “Liên hoan các doanh nghiệp du lịch” được tổ chức tại Vũng Tàu vào ngày 18/8, với sự tham gia của gần 400 doanh nghiệp trong ngành đến từ các địa phương trong cả nước.

Liên hoan nhằm mục đích giao lưu đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; ghi nhận và cổ vũ những thành tích của các doanh nghiệp, cá nhân và địa phương đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành du lịch; đồng thời tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sáng tạo giữa các đơn vị trong lĩnh vực du lịch.

Sự kiện này cũng cổ vũ cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa hình thức dịch vụ và góp phần đẩy mạnh mục tiêu phát triển ngành du lịch đất nước./.

Tân Trào (Tuyên Quang): Tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt


Sáng ngày 16/8/2012, trên mảnh đất Tân Trào lịch sử, nơi cách đây 67 năm về trước hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội đã họp bàn, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.

Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, có vị thế chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ khi có Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang một lòng một dạ sắt son theo Đảng, xây dựng phong trào, phát triển, củng cố cơ sở cách mạng vững chắc. Tuyên Quang là nơi đã tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã, cấp châu thắng lợi đầu tiên trong cả nước. Khi tình hình thế giới biến động mau lẹ, thời cơ có lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ thị phải chọn ngay một địa bàn để làm căn cứ lãnh đạo cách mạng cả nước. Tân Trào là mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài, đã được chọn làm nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương Đảng, Bác Hồ để chuẩn bị các điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa. Tại căn lán Nà Nưa đơn sơ, do cuộc sống và điều kiện làm việc hết sức gian khổ, thiếu thốn nên Bác Hồ đã bị ốm rất nặng, song với nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá giành độc lập, tự do cho dân tộc, Người đã chỉ thị: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Với bài thuốc nam thần diệu của cụ lang già người Tày địa phương, Người đã đỡ dần và gượng dậy tiếp tục làm việc, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Trên mảnh đất Tuyên Quang có 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, trong đó có 13/14 bộ và cơ quan ngang bộ đặt trụ sử làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với gần 500 di tích lịch sử, Tuyên Quang mãi mãi là “bảo tàng sống”, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước. Đặc biệt,Khu di tích lịch sử Tân Trào “nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”; trong đó, có những di tích nổi tiếng như: Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Hang Bòng, Khu Lập Binh - Bình Yên, Khu Khuôn Điển - Kim Quan, Khu Chi Liền - Trung Yên... luôn chứa đựng những dấu ấn sống động, sục sôi, hào hùng của Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tân Trào - mảnh đất địa linh, “Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hòa”, nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của dân tộc, luôn là điểm tựa tinh thần cho đồng bào cả nước trong tiến trình thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cho nhân dân mọi miền đất nước và là nơi thăm quan, nghiên cứu hấp dẫn của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã thêm một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò quan trọng, tầm vóc và giá trị to lớn của khu di tích lịch sử Tân Trào; là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc. Đây là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí vươn lên cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Mở ra cho tỉnh Tuyên Quang cơ hội để phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan. Đây cũng là động lực để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nỗ lực, tiếp tục xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng phát triển./.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại ngày hội văn hóa Chăm

"Văn hóa Chăm - Bảo tồn, phát huy và hội nhập" là chủ đề của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố ngày 16/8.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức, Ngày hội sẽ được tổ chức trong ba ngày, từ 14-16/10 tại tỉnh Ninh Thuận với quy mô lớn, có sự tham gia của các tỉnh, thành phố có đồng bào Chăm sinh sống là Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tỉnh, thành phố có những di sản văn hóa Chăm tiêu biểu là Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, cũng sẽ góp mặt trưng bày, giới thiệu các di sản của mình.

Ngày hội được tổ chức tại bốn địa điểm, trong đó có Khu du lịch Tháp Po Klongirai và Sân vận động thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, tỉnh Ninh Thuận); làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).

Các hoạt động xuyên suốt thời gian diễn ra Ngày hội gồm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; thi đấu thể thao; giới thiệu văn hóa, ẩm thực đặc sắc của người Chăm; hội chợ-triển lãm và giới thiệu sách; hội thảo "Bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm."

Ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết thêm Ngày hội diễn ra đúng dịp Lễ Katê của đồng bào dân tộc Chăm, đặc biệt lễ khai mạc tổ chức ngay đêm giao thừa (theo lịch Chăm) nên dự kiến sẽ thu hút đông đảo đồng bào, khách du lịch tham dự.

Tạo điểm nhấn cho Ngày hội, ban tổ chức đã xây dựng chương trình buổi lễ khai mạc hoành tráng, đậm đà bản sắc dân tộc với một sân khấu thiết kế bằng nhiều chất liệu, song chỉ sử dụng màu chàm của văn hóa Chăm, kết hợp với hệ thống ánh sáng lazer hiện đại.

Ba chương trình được thể hiện trong đêm khai mạc sẽ giới thiệu đến du khách toàn bộ bức tranh văn hóa dân tộc Chăm cũng như các dân tộc anh em. Các hoạt động văn hóa cộng đồng diễn ra trên nền bản nhạc "Người Chăm ơn Đảng" tạo không khí rộn ràng, đầm ấm sẽ kết thúc chương trình khai mạc Ngày hội.

Để thu hút du khách đến với Ninh Thuận trong những ngày này, tạo điều kiện phát triển du lịch trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng hợp tác với các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng trong việc tiếp đón các đoàn khách; xây dựng những tour du lịch với các điểm đến là Tháp Po Klongirai, làng gốm Bàu Trúc, một số cơ sở làm rượu vang nho nổi tiếng./.

Điểm nhấn trong Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế: Lễ hội ẩm thực đường phố


Kéo dài trong 6 ngày (từ 29/8- 03/9), nhưng thời gian biểu diễn có giới hạn nên lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Việt Nam lần thứ I - Bình Thuận 2012 rất cần các hoạt động bổ trợ. Trong đó, lễ hội ẩm thực đường phố đã được Ban tổ chức tính đến, nhằm “hâm nóng” không khí sôi động về đêm ngay tại tuyến du lịch trọng điểm của địa phương…

Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Chiến Thắng - đơn vị phối hợp tổ chức lễ hội Khinh khí cầu quốc tế cho biết: Thông thường khí cầu bay vào lúc bình minh (6 giờ - 7 giờ 30) hoặc trước hoàng hôn (16 giờ 30 - 18 giờ). Đây là khoảng thời gian thích hợp nhất trong ngày, vì thời điểm này chỉ có gió nhẹ - điều kiện cần để khinh khí cầu hoạt động… Nếu vậy sẽ bắt buộc người xem phải thức dậy sớm, hoặc chờ đến chiều tối mới có thể chiêm ngưỡng hàng chục quả cầu khổng lồ đồng loạt xuất hiện lần đầu tiên trên bầu trời Việt Nam. Mà địa điểm xuất phát lại nằm ven đường 706B, xa trung tâm TP. Phan Thiết nhưng gần “thủ đô resort” nên cần tổ chức hoạt động bổ trợ tại nơi đây. Ý tưởng này đã được Ban tổ chức thống nhất cùng phối hợp tổ chức lễ hội ẩm thực đường phố với một không gian mở trên tuyến đường ven biển.

Theo kế hoạch, lễ hội ẩm thực đường phố trong khuôn khổ lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Việt Nam lần thứ I - Bình Thuận 2012 sẽ được tổ chức vào các ngày 30, 31/8 - 02/9. Vị trí được Ban tổ chức lựa chọn là dọc hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu - phường Hàm Tiến (TP. Phan Thiết), kéo dài từ Seahorse Resort đến Coco Beach Resort. Ở hướng Đông của tuyến đường, Ban tổ chức dành cho các gian hàng giới thiệu sản phẩm được “mặc định” là thức ăn chế biến sẵn hoặc những món nướng. Còn ở hướng Tây (phía bên đồi), các nhà hàng được đầu tư bài bản sẽ tham gia giới thiệu các loại bánh và thức uống như: nước trái cây, nước khoáng, bia hoặc rượu nhưng không quá 30 độ cồn. Vì hoạt động ẩm thực ngoài đường phố, nên “lễ hội trong lễ hội” này chỉ diễn ra từ 18 giờ 30 - 22 giờ 30 hàng ngày đồng thời với việc tạm cấm các loại phương tiện ra vào khu vực.

Cùng với hoạt động ẩm thực, ngành du lịch Bình Thuận còn tham gia tổ chức thêm một số chương trình văn nghệ chào mừng do Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh đảm trách. Ngay tại trung tâm lễ hội (dự kiến gần Bốn Biển Resort), hàng đêm bắt đầu từ 20 giờ sẽ biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc và phục vụ thức uống miễn phí đối với khách mời, lực lượng phi công… Cùng thời gian, Công ty TNHH Dịch vụ Chiến Thắng góp thêm không khí nóng bỏng ngay giữa lòng đường phố bằng hình thức diễu hành đoàn “rồng lửa” với hàng xe Jeep treo khí cầu…

Đêm về của những ngày lễ hội sắp tới đây hứa hẹn rất hấp dẫn và sôi động. Bởi sau khi no mắt với hàng chục quả cầu đủ hình dáng lẫn sắc màu, mọi người có thể tự thưởng cho mình và người thân một buổi tiệc đường phố rất hiếm khi tổ chức như thế này. Đặc biệt hơn, đây còn là dịp để các resort ven biển và nhà hàng bên đồi tại Bình Thuận giới thiệu những đặc sản gọi là “tinh túy” nhất đến với thực khách. Thế nên du khách và người dân địa phương sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều món ngon, thức uống lạ theo phong cách của các quốc gia khác nhau trên thế giới chỉ tại một địa điểm… Còn với Ban tổ chức, hoạt động này không những làm phong phú thêm sắc màu và tạo không khí vui tươi cho lễ hội Khinh khí cầu quốc tế. Mà lễ hội ẩm thực đường phố sắp diễn ra còn là sự kiện chào mừng Quốc khánh Việt Nam đối với khách mời quốc tế, du khách khắp nơi thông qua các món đặc trưng của quê hương Bình Thuận./.